Đội lá thầu dầu chữa dứt bệnh trĩ?
Ít ai biết ở Nghệ An, từ hàng chục năm nay đã có một bài thuốc truyền đời được cho là kỳ dị chữa bệnh trĩ cực kỳ hiệu quả: Đội lá thầu dầu.
“Bệnh khốn bệnh khổ”
Trĩ là bệnh tạo thành do tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị giãn từ áp lực trong ổ bụng, áp lực trong trực tràng và trong ống hậu môn tăng cao. Bệnh này có hai dạng trĩ nội và trĩ ngoại, triệu chứng dễ nhận biết là người bệnh bị chảy máu mỗi khi đi đại tiện hoặc hiện tượng búi trĩ “thò lò” ra ngoài hậu môn.
Mặc dù không gây nguy hiểm “cháy nhà chết người” nhưng người bị trĩ luôn cảm thấy cực kỳ khó chịu, thường xuyên có cảm giác vướng víu, đứng ngồi không yên. Theo thống kê của các cơ quan y tế, thời gian gần đây căn bệnh tế nhị này trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi có một số trường hợp suýt mất mạng chỉ vì chữa trĩ không đúng cách.
Nhưng từ lâu nay, trĩ chỉ là “bệnh vặt” với người dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) bởi họ “cậy” vào bài thuốc của một lương y ở xóm 2 Tăng Tiến, xã Hùng Tiến (huyện Nam Đàn). Theo lời kể của những người từng chữa khỏi bệnh, bài thuốc này đặc biệt hiệu nghiệm, uống vào chỉ sau một ngày là có chuyển biến trông thấy, giúp cầm máu và đỡ đau rát, hết đợt điều trị là cũng hết cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại.
Phần lớn bệnh nhân sau khi chữa khỏi đã nhiệt tình giới thiệu cho những người “cùng chung cảnh ngộ”, khiến ngôi nhà của vị lương y ở cách thành phố Vinh gần 20km lúc nào cũng đông người đến xin thuốc.
Ngôi nhà ở sâu tận trong ngóc ngách, không biển hiệu quảng cáo nhưng từ ngoài quốc lộ đã có thể hỏi đường từ những người dân. Cách ngõ nhà một đoạn đã nghe mùi thuốc bắc thơm lừng. Anh Hoàng Năng Thành (SN 1965) cho biết anh là người kế tục nghề thuốc của cha sau khi ông cụ mất cách đây một thời gian.
Anh đã phải chuyển từ Vinh về sống tại ngôi nhà ở quê để có điều kiện tiếp tục chữa bệnh cho người dân và gìn giữ những bài thuốc gia truyền. Hỏi về bài thuốc chữa trĩ, anh Thành cười: “Phải đến một nửa người đến lấy thuốc ở đây bị mắc bệnh này. Đây là chứng bệnh rất phổ biến và không khó chữa nhưng nhiều người để bệnh nặng mới bất đắc dĩ tìm thầy, chỉ vì… thấy ngại quá”.
Khi bị trĩ hành hạ, người bệnh chỉ còn biết “nghiến răng” nguyền rủa cái thứ “bệnh khốn bệnh khổ” rồi ngọ nguậy tư thế đi, đứng, nằm, ngồi cho đỡ đau, ngoài ra chẳng biết làm thế nào. Đã bị trĩ thì làm gì cũng không thoải mái, có người ngày nào cũng mất vài tiếng đồng hồ ngồi trong nhà vệ sinh.
Nhưng thực tế cho thấy phần lớn người bệnh khi bắt đầu phát hiện dấu hiệu lại không đi chữa ngay, một phần vì coi nhẹ bệnh không gây chết người, một phần vì tâm lý ngại nói bệnh ở chỗ tế nhị, nhất là phụ nữ. Để bệnh kéo dài sẽ chuyển nặng mất máu lâu ngày làm suy nhược cơ thể, gây phiền phức vô cùng cho mọi sinh hoạt, thậm chí có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Thành kể có người hơn 10 năm “sống chung với trĩ”, khi khỏi bệnh mới đau khổ tâm sự: “Biết thế chữa sớm vì thú thực, bao năm nay đi đến đâu cũng nể người ta mà ngồi nhin nhín, chứ tui có ngồi được đâu, khó chịu ghê gớm lắm”.
Kỳ dị ngày hai lần đội lá thầu dầu
Một điểm đặc biệt trong bài thuốc chữa trĩ ở đây là người bệnh đều được thầy căn dặn phải nhớ đội lá thầu dầu mỗi ngày nếu muốn bệnh khỏi nhanh. Hỏi những người đã chữa khỏi bệnh về tác dụng của hành động này, hầu hết đều lắc đầu không biết: “Thầy dặn sao thì làm vậy, nghe nói đội lá đó sẽ kéo trĩ đi lên”. Nhiều người không tin vào chuyện kỳ cục như vậy nên cho rằng chẳng qua đây là “mẹo” của thầy thuốc để củng cố tâm lý cho người bệnh, đồng thời “đánh bóng” cho phương thuốc có vẻ bí truyền.
Tuy nhiên lời giải thích của anh Thành lại khiến những ai có ý nghi ngờ đều phải “mắt tròn mắt dẹt” lắng nghe: Việc sử dụng lá thầu dầu là một thủ thuật chiếm vai trò quan trọng trong bài thuốc chữa trĩ. Đội lá không phải là “chiêu trò” gì mà có tác dụng thực sự.
Theo sách Đông y, lá thầu dầu (hay còn gọi là dầu vét) là vị thuốc có tính “thăng đề” (đi lên), khi người bệnh trĩ đội lá thầu dầu trên đầu, tính thăng đề của lá sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ việc đưa búi trĩ thòi ra trở về vị trí ban đầu. Một ngày cần hai lần đội lá, sáng và tối, mỗi lần cách nhau khoảng 12 tiếng, tốt nhất khi thư giãn hoặc làm việc nhẹ.
Người dân ở Nghệ An cho rằng đội lá thầu dầu chữa được bệnh trĩ
Anh Thành chia sẻ thêm thực tế cũng không tránh được có người cho rằng đây chỉ là chữa mẹo. Không phải người bệnh nào cũng hỏi cặn kẽ vì sao phải đội lá và không phải ai anh cũng có điều kiện giải thích. Có người ở xa gọi điện về “khoe” một lần ông ta đội tới bảy lá (quan niệm con số 7 của đàn ông, con số 9 của đàn bà) vì nghĩ đội càng nhiều càng tốt.
Anh Thành khi ấy đã phải “đính chính” chỉ cần đội một lá trong vòng một tiếng là đủ, nếu đội nhiều đội lâu thì sẽ kích thích lớn đến thần kinh. Đội lá thầu dầu mang lại tác dụng tốt và thực hiện đơn giản, lá cây dễ kiếm, bứt một lá đặt lên đầu, đội thêm một chiếc mũ để giữ lá khỏi rơi, người bệnh vẫn đi lại sinh hoạt bình thường. Buổi tối khi có điều kiện nằm nghỉ ngơi, thay vì đội lá có thể đặt lá úp lên rốn sẽ cho tác dụng tốt hơn nữa.
Anh Thành cho biết tùy theo mức độ bệnh và cơ địa từng người, nhìn chung đối với những người bị bệnh trong vòng một năm trở lại, bài thuốc gia truyền của anh có thể giúp trị dứt điểm trong khoảng 12 ngày với 3 thang thuốc, kết hợp với các thủ thuật bên ngoài như đội lá thầu dầu. Cách sắc thuốc cũng yêu cầu tuân thủ quy định: Lần một, đổ 5 bát nước đun cạn lấy bốn bát; hai lần sau đó đều đổ bốn bát lấy 3,5 bát; sau đó tập trung cả mấy lần nước đã gạn rồi đổ thêm hai bát nước nữa đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 30 phút là được.
Thuốc sắc từ mỗi thang uống được trong bốn ngày, mỗi lúc uống cần đun sôi lại để đảm bảo chất lượng. Theo giải thích của anh Thành, nếu uống thuốc đặc quá, cơ địa con người không hấp thụ hết sẽ bài thải. Nếu thuốc nhạt quá lại không đủ độ, vì vậy cách sắc thuốc như trên sẽ giúp thuốc uống lần đầu cũng như lần cuối, không đặc quá, không nhạt quá.
Việc điều trị lần một đơn giản hơn rất nhiều so với phải điều trị lại. Nếu sau khi khỏi, người bệnh không giữ gìn để tái phát thì việc chữa trị phức tạp hơn nhiều, cả liều lượng thuốc và thời gian đều phải kéo dài. Xuất phát từ nguyên nhân gây bệnh, những người có nguy cơ vướng phải bệnh trĩ là phụ nữ sau khi sinh, những người thường xuyên phải làm việc chân tay quá nặng và cả những người phải ngồi làm việc triền miên ít vận động, hoặc những “đệ tử” của bia rượu và các chất kích thích có hại…
Theo lời khuyên của lương y, những người thuộc các nhóm trên cần biết giữ gìn sức khỏe để không gặp phải căn bệnh khó chịu trên, nếu phát hiện có dấu hiệu cần chữa trị càng sớm càng tốt, và tránh để tái phát.
Một số lời khuyên khác cho người mắc bệnh trĩ
Mỗi buổi sáng thức dậy nên uống một cốc nước sôi nguội vào mùa hè và nước sôi ấm vào mùa đông. Không ngồi quá nhiều, đặc biệt tránh ngồi xổm; vận động ở mức độ trung bình, không nên gắng quá sức; hạn chế các chất kích thích như rượu bia, đồ ăn cay nóng…
Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần giữ vệ sinh bằng cách xông rửa đều đặn đúng cách, sử dụng lá lốt, lá mướp đắng, lá hoặc hoa thiên lý đun sôi, dùng để xông hậu môn khi nước nóng và ngâm khi nước nguội.
Được cung cấp bởi: 24h.com.vn